top of page

Vải và suit: 101

Phần 1: Vải suit cơ bản

Đã bao giờ bạn nhìn 1 bộ suit và thắc mắc rằng: có những loại chất liệu vải gì làm nên bộ chưa?

1: Những loại vải dùng để sản xuất Suit

1 bộ suit bao gồm: áo khoác, áo vest (không bắt buộc phải có) và quần. Tùy thuộc vào cấu trúc bộ suit mà một vài loại vải có thể có hoặc không được sử dụng để hoàn thiện nên sản phẩm

1 chiếc áo khoác ngoài (jacket) sẽ có những loại vải cấu thành sản phẩm như sau:

  1. Ở ngoài cùng là vải chính định hình sản phẩm (màu sắc, thiết kế..), giữ ấm hoặc làm mát cơ thể người dùng

  2. Ở giữa là lớp vải canvas: dân ta quen gọi là canh (tiếng Pháp bồi) mục đích để giữ phom áo được đứng, đẹp, bồng… 

  3. Với 1 số cấu trúc như half-canvas, fused(glued). Bên cạnh lớp vải canvas, người thợ có thể sử dụng loại vải interlining: dân ta hay gọi là mùng, mex để hỗ trợ tạo hình, giữ phom dáng. Interlining thường được dán trực tiếp bằng keo vào vải

  4. Trong cùng là lớp vải lót (lining): giúp người sử dụng dễ dàng luồn tay vào áo, bảo vệ vải chính (nếu không dùng cấu trúc) khỏi ma sát/tĩnh điện/hư hại.., bảo vệ người dùng khỏi lớp vải canvas (thường là cứng, dặm, có thể gây ngứa/khó chịu), tạo phom dáng, giữ ấm cơ thể hoặc làm mát cơ thể vào mùa hè. Cá biệt 1 số trường hợp nhà may sử dụng lớp lót đặc biệt để giữ nhiệt hoặc cách nhiệt, chịu nước hoặc hút nước…tùy theo nhu cầu của người sử dụng (Áo jacket của John Wick có lớp lót hỗ trợ giảm chấn và tiêu lực ^^)

  5. Bên cạnh những loại vải trên, có một số những vải phụ trợ khác được sử dụng như: vải dạ thường làm lót cổ, vải superfine để làm túi áo (một số nhà may sử dụng để làm túi nếu khách yêu cầu và tải trọng cao), vải nhung/satin làm ve áo Tuxedo/viền túi, vải cotton/cvc làm lót ngực (lựa chọn có hoặc không), vải cotton/mút làm đệm vai

Những loại vải trên xét về giá trị sử dụng thì: vải ngoài và vải lót là 2 loại vải quan trọng nhất, kế tiếp là vải canvas. Những loại vải còn lại miễn là bền, đẹp là được


Thế còn quần thì sao?


  1. Ở ngoài cùng là vải chính định hình sản phẩm (màu sắc, thiết kế..), giữ ấm hoặc làm mát cơ thể người dùng

  2. Vải cạp quần: là nơi tiếp xúc và chịu lực với da người mạnh nhất nên cần thân thiện với da người nhưng vẫn phải bền

  3. Vải túi quần: dùng để đựng đồ nên chịu lực tốt, khó rách nhưng nên thân thiện với da người (tạo cảm giác dễ chịu thoải mái, thấm hút mồ hôi..) 

  4. Vải lót đùi: giúp xỏ chân vào quần dễ dàng và bảo vệ vải ngoài khỏi ma sát với da đùi

  5. Vải kê gấu: thường dùng để bảo vệ vải ngoài khỏi ma sát với giầy

Vải ngoài (vải chính) của quần thường dùng chung vật liệu với vải áo khoác ngoài (có thể là len động vật, cotton…) trong khi vải túi/cạp quần có thể dùng chung vật liệu với vải sơ mi (cotton, CVC, TC, T…). Vải lót đùi thường dùng chung chất liệu với vải lót áo khoác ngoài của suit (lining: có thể là Cupro, Viscose, PolyViscose, Poly, Taffeta..). Vải kê gấu quần thường làm bởi cotton, CVC, TC hoặc Poly


Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của khách hàng hoặc mục đích kinh doanh của người bán mà các chất liệu vải được lựa chọn để tạo nên bộ suit nhưng thường có 2 mục đích chính: yếu tố kinh tế và yếu tố tiện lợi. Những chất liệu cao cấp, thân thiện với sức khỏe con người luôn đắt tiền nhưng tạo cảm giác thoải mái dễ chịu cho người sử dụng và ngược lại 


P2: Các loại vải suit – Cơ bản

Có những chất liệu gì tạo thành các loại vải trên?

Có rất nhiều chất liệu trên thế giới này dùng để tạo nên các loại vải khác nhau nhưng chủ yếu được phân ra làm 2 nhóm chính: Tự nhiên và nhân tạo

Tự nhiên:

  1. Nguồn gốc động vật: 

  2. Len zin (Virgin Wool - WV): được tạo nên từ lông cừu tự nhiên (xén lông). Len zin (từ này mình phịa ra vì ko nghĩ ra từ nào phù hợp hơn) được hiểu là len làm từ lông cừu tự nhiên được xén lần đầu và sản xuất nên, không bị tổn hại gì trước và sau khi hoàn thiện thành vải len. Len zin đối lập với len tái chế (vốn rất hay được sử dụng để làm nên các sản phẩm vải len chất lượng thấp). 

Bạn đi may đồ, nếu thấy vải ghi là 100% WV 150’s thì có thể hiểu là: vải đó là vải len zin 100% và có chất lượng 150’s (mình sẽ viết 1 bài chi tiết về S sau), ngược lại nếu vải ghi là 100% W không thôi thì khả năng cao (ít phải 90%) đó là vải len tái chế, đa phần có nguồn gốc từ anh hàng xóm siêu to của Việt Nam chúng ta. 

Len giống cừu Merino sống tại Úc/NewZealand cho chất lượng tốt nhất hiện giờ (sợi lông dài, mảnh 11-25 micron (1 micron = 0.001milimet), chịu lực tốt hơn các loại cừu khác trên Thế Giới)

Len cừu Merino được phân làm 5 loại: Ultra-fine Merino (11.5 - 15 microns), Superfine Merino (15 – 18.5 microns), Fine Merino (18.6 – 19.5 microns), Medium Merino (19.6 – 22.9microns) và Strong Merino (23-24.5 microns)

- WV có đặc tính: co giãn tự nhiên, nhẹ, đông ấm (đặc tính lông động vật, cách nhiệt) hè mát (khả năng thấm hút nước tốt, giữ ẩm làm mát da). Chống bám bẩn tốt (không cần giặt nhiều)

- Điểm trừ: bảo quản/chăm sóc khó, kỵ nước (sẽ có khi gặp lạnh), thu hút côn trùng như bọ rệp/gián, dễ nhăn nhàu

  1. Len Cashmere/Kaschmir/Cachemire (WS): được dệt từ lông loài dê sống tại vùng núi Kaschmir. Do hạn chế về sản lượng và sản xuất nên sản lượng len Cashmere thấp dẫn tới giá thành cao (gấp 4-5 lần len cừu). Len Cashmere đặc biệt nhẹ, mềm mịn, ấm (đông) mát (hè) y hệt như len WV nhưng ở một đẳng cấp khác (khoa học đo lường cho thấy khả năng thấm nước của len Cashmere hơn len cừu 30-40%). Với trang phục chống rét, len Cashmere thường được dệt dầy, với trang phục Xuân Hè, len Cashmere hay được pha với WV, lanh…để giảm giá thành sản phẩm. Một bộ suit bằng Cashmere thể hiện sự giàu có, ăn chơi của người sử dụng, tuy nhiên vải len Cashmere có nhiều loại khác nhau: loại thượng hạng sẽ được dệt từ lông tơ cổ dê Cashmere hoang dã có độ dài tối thiểu 36mm và phải thật trắng, loại kém hơn sẽ tới từ lông cổ dê nuôi hoặc lông chân/lưng/đuôi dê Cashmere hoang dã - cũng dệt nên len và hoàn toàn không sai khi ghi trên tem vải là: 100% WS (cashmere). Vậy nên nếu bạn có vào cửa hàng Uniqlo và thấy 1 cái áo len có giá chỉ 1.800.000 VNĐ nhưng lại ghi thành phần là len cashmere thì đừng vội nghĩ họ ghi sai nhé, 100% len cashmere có trong sản phẩm đó là hàng dê nuôi made in China 

Lông dê cashmere có độ mảnh trung bình khoảng 15 – 30 microns những loại thượng hạng sẽ được dệt bởi những sợi lông có đường kính từ 15 - 19 microns

- Đặc tính WS về bản chất là giống WV, chỉ khác ở chỗ WS hơn WV về chất lượng (ấm hơn, mềm mịn hơn, nhẹ hơn và thấm hút nước tốt hơn)

- Điểm trừ: khó bảo quản giống WV, đắt tiền

  1. Len lạc đà (WK): Có 3 chi lạc đà cho lông dệt len. 2 chi Lama và Vicuna tới từ dãy núi Andes (trải dài qua Peru, Bolivia, Ecuador và Chile – Nam Mỹ), chúng không có bướu và khá nhỏ con. Chỉ còn lại: Camelus có bướu (1 hoặc 2 bướu) to (gấp 4-5 lần 2 chi kia) sống nhiều ở Trung Đông/Châu Phi và Úc

Có 4 giống lạc đà chính sống ở Andes cho len là Vicuna (WG), Alpaca (WP), Llama (WL) và Guanaco (WU)

Len lạc đà chi Vicuna thực sự rất đắt (hiếm, khó khai thác) với 2 loại là Vicuna/Alpaca trong khi Llama và Guanaco phổ biến hơn (dễ khai thác, chất lượng thua kém 2 loại đầu). Vicuna/Alpaca thường hay được pha với len cừu WV hoặc Linen trong khi Llama và Guanaco hay được dùng để làm giả Vicuna/Alpaca nhằm lừa những ai cả tin (loại thượng hạng của Llama và Guanaco cũng gần bằng Alpaca loại bình thường về chất trong khi loại Royal Alpaca và Vicuna có chất lượng gần như nhau (len Vicuna đắt hơn vì Vicuna không nuôi được, nó cho ít lông và tuổi thọ thấp hơn Alpaca)

Lạc đà Camelus cung cấp khoảng 2-2,5kg sợi len hàng năm, lông tơ chúng dài (2,5-7,5cm), rất mềm mịn và mượt

Chất lượng len lạc đà được xếp hạng như sau: Vicuna (12.5microns), Royal Alpaca (<18 microns), Baby Camelus (17 – 19 microns), Superfine Alpaca (<20microns), Baby Alpaca (<23 microns), Fine Alpaca (<25 microns), Llama (25 – 31 microns), Medium Alpaca (<30 microns), Strong Alpaca (>30 microns)

- Đặc tính của len lạc đà: bền, ấm, nhẹ, mịn (rất mịn với trường hợp Vicuna, Alpaca, baby Camel). Nó có mỗi đặc tính của len WC, nhưng ở một đẳng cấp cao hơn về chất lượng và độ quý hiếm (dẫn tới giá cao)

- Điểm trừ: khó bảo quản, đắt

4. Len Angora (WA): Là loại len được dệt từ giống thỏ Angora. Do đặc tính khai thác khó khăn      (các nhóm “thỏ quyền” biểu tình, làm luật gây cản trở tới việc khai thác lông), thỏ thì nhỏ mà đè ra xén lông như cừu thì khó dẫn tới sản lượng không cao và giá thành đắt cho nên thường người ta làm chết thỏ khi khai thác sợi. Bên cạnh đó, chất lượng len Angora thực sự tốt (12 – 16 microns)

- Đặc tính của WA: sợi mảnh, siêu mềm mịn, ấm áp, mượt mà, bóng bẩy. Tuy nhiên do quá ấm và không co giãn nên len Angora hay được pha với len cừu WV hoặc các loại len khác có độ đàn hồi cao

- Điểm trừ: khó bảo quản, không co giãn, không phù hợp để làm suit nếu để nguyên 100%, đắt tiền

5. Len Mohair (WM): là len dệt từ sợi lông dê giống Angora (đôi lúc có người nhầm sang len Angora WA). Thành phần chủ yếu của Mohair là keratin (1 loại protein có trong lông/len/sừng và da của các loài động vật có vú) nhưng ở riêng dê Angora lại có những đặc tính: chống cháy, chống nhăn, dễ nhuộm màu. Sợi Mohair khá dày (25-40 micron) so với lông cừu, độ dày tăng dần theo tuổi dê nên lông dê non thường được dùng để dệt len mỏng nhẹ (khăn, quần áo hè) trong khi lông dê già thường dùng làm thảm, quần áo rét

- Đặc tính của len Mohair: cách nhiệt tốt (ấm hơn len cừu vào mùa đông), hút ẩm tốt (mát mùa hè). Bền hơn len cừu, đàn hồi tự nhiên, chống nhăn và chống cháy

- Điểm trừ: chăm sóc hơi vất vả, vẫn phải giặt khô. Đắt tiền hơn len cừu nên được coi là 1 loại vải xa xỉ

6. Len tái chế (WO hoặc W): là len được kéo sợi và dệt từ những sản phẩm thải loại làm bằng len (vải cũ, quần áo cũ, len lỗi..). Nhà sản xuất sẽ phân loại theo chất lượng và màu, giặt sạch rồi xử lí kéo sợi thành sợi len mới. Sợi len được nhuộm màu và dệt nên các tấm vải mới. Thông thường (do tiêu chuẩn hoặc sự thiếu hiểu biết của thị trường/người tiêu dùng) len tái chế được ghi ký hiệu là W thay vì WO. Len tái chế có ưu điểm là: bảo vệ môi trường. Việc khai thác len WV gây tổn hại tới môi trường không ít (góp phần xả khí CO2) 

- Đặc tính của len tái chế: giống hệt len cừu zin (WV) nhưng chất lượng thua kém khá nhiều do bị xử lí qua hóa chất lúc tái chế 

- Điểm trừ: chất lượng kém, yếu, không bền, rất dễ gây hiểu lầm về chất lượng cho người sử dụng

7. Lụa tơ tằm (SE): là lụa dệt từ sợi tơ kéo từ vỏ nhộng tằm dâu, đây là loại tơ có nguồn gốc động vật, đối ngược là tơ thực vật được kéo từ một số loại thực vật cho tơ như sen. Trong khuôn khổ bài viết (chú trọng vào tính phổ biến), tôi sẽ chia sẻ về lụa tơ tằm. Nói chính xác và đầy đủ về lụa tơ tằm là: lụa được dệt bởi sợi tơ kéo từ vỏ nhộng tằm dâu nuôi bởi người. Vì có loại tơ “tự nhiên” là tơ từ sâu bướm (không nuôi được), hoặc từ vỏ nhộng/kén trong tự nhiên.

Nghề dệt lụa đã có từ cách đây 5000 năm, xuất phát từ Trung Quốc cổ đại. Có lẽ cũng bắt đầu từ việc người Trung Quốc cổ đại tình cờ nhặt được kén nhộng rồi đem về kéo sợi và dệt thành vải. Sau đó phát hiện việc nuôi tằm khá dễ dàng và mang lại lợi ích kinh tế (tập trung, dễ thu hoạch hơn là đi nhặt vỏ kén trong tự nhiên), việc sản xuất lụa dần phát triển và trở thành một mặt hàng quý giá trong xã hội Trung Hoa cổ đại. Người Trung Quốc cổ đại đã giữ được bí quyết công nghệ sản xuất lụa trong khoảng 3000 năm rồi dần dần, các dân tộc khác cũng học được hoặc “ăn trộm” được từ người Hoa

Lụa có mặt cắt ngang sợi tơ hình tam giác dẫn tới phản quang, khúc xạ tốt (lụa nhìn luôn bóng bẩy, óng ánh là vậy). Tơ lụa rất mịn và mượt, không như các sợi vải dệt từ nhân tạo. Tơ lụa co giãn kém, ít dẫn nhiệt/điện nên phù hợp với thời tiết lạnh. Độ mỏng, nhẹ của lụa khiến lụa mát  khi mặc vào mùa hè. Khả năng hút nước tốt nhưng khả năng bền chắc sẽ giảm còn 20-25% nếu lụa bị ướt.

Lụa may suit thường pha với một số loại sợi khác như: len cừu, len cashmere, mohair

Điểm trừ: đắt tiền, dễ nhàu, dễ ố vàng bởi mồ hôi, dễ bị sâu bọ ăn

Điều dễ nhận ra ở đây đó là, các loại vải càng tốt, thân thiện với sức khỏe con người bao nhiêu thì càng dễ bị “ăn thịt” bởi sâu bọ bấy nhiêu. Đắt tiền, khó chăm sóc/bảo quản là những hạn chế ảnh hưởng tới sự tiện dụng suit nhưng nếu bạn quan tâm tới sức khỏe bản thân, chất lượng suit thì những vật liệu trên luôn là lựa chọn hàng đầu. Bảo quản cẩn thận, sản xuất tốt đi kèm vật liệu tốt có thể kéo dài tuổi thọ bộ suit hàng chục năm - Là một món đầu tư hời nếu dựa trên số lần sử dụng.


  1. Nguồn gốc thực vật: Sợi thực vật (bông, lanh, gai)

2. Nhân tạo:

A. Nguồn gốc tự nhiên: Sợi được sản xuất từ cellulose (hợp chất cao phân tử, là thành phần chủ yếu tạo nên vách tế bào thực vật)

B. Tổng hợp từ hóa chất


 
 
 

Comments


bottom of page