top of page

Kinh nghiệm may Suit

Updated: May 4



Lựa chọn loại vải phù hợp có thể là phần khó nhất của quá trình may đo một bộ suit. Khác với việc chọn mua một bộ đồ may sẵn ở trung tâm thương mại/cửa hàng thời trang -  nơi bạn lúc nào cũng có thể chọn lựa kiểu dáng và phong cách mà bạn thích - khi may đo, việc nhìn vào một miếng vải nhỏ và cố để tưởng tượng nó sẽ trông như thế nào khi bạn mặc lên người trên thực tế không hề dễ. 

Bạn muốn mặc một bộ suit như thế nào?

   Bạn cần phải suy nghĩ kĩ về một số vấn đề trước khi tới cửa hàng và đặt may một bộ Suit cho mình. Loại vải phù hợp nhất sẽ được lựa chọn dựa trên tiêu chí: bạn sẽ mặc nó khi nào và ở đâu, vậy nên hãy cân nhắc một số vấn đề như:

  • Bạn cần một bộ quần áo trang trọng/lịch sự tới mức nào? 

Gợi ý: chấm điểm từ lịch sự tới bình thường: Morning Suit – Tuxedo – Double Breasted – Single Breasted – Blazer – Sport coat.



  • Bạn cần một bộ suit hay áo jacket mặc trong văn phòng/mặc để tới một sự kiện đặc biệt hay là để mặc với mọi sự kiện? 

  • Thời tiết nơi bạn thường xuyên sử dụng suit như thế nào? (mưa, nắng, lạnh, ấm …ra sao?)

  • Bạn có điều kiện chăm sóc quần áo của mình không? (kinh tế, thời gian..)

   Dựa vào đó, bạn có thể quyết định được chất liệu, màu sắc và các mẫu hoạ tiết phù hợp.

Bạn muốn suit dày hay mỏng?

   Điều này được quyết định bởi việc bạn dự định mặc bộ đồ này quanh năm hay chỉ mặc vào một thời điểm cụ thể trong năm (mùa) và việc bạn muốn mặc nó để đi ra bên ngoài hay là mặc khi ngồi trong phòng máy lạnh. 

   Gợi ý: Nên mặc đồ mỏng nếu bạn đi ngoài đường vào xuân hè và ngược lại. 

Bộ đồ sẽ được phối với những thứ khác như thế nào?

   Bạn nên cân nhắc và hình dung trong đầu xem bản thân muốn mặc bộ đồ đó với áo sơ mi và cà vạt, giầy da hay sneaker, có phụ kiện gì đi kèm không.. hay chỉ đơn giản là muốn phối nó với áo t-shirt/polo và quần jean. Bạn thậm chí cũng có thể lựa chọn một kiểu dáng có thể phối với cả hai loại. Khi bạn đã hình dung được rõ ràng những thứ này, thách thức tiếp theo chính là làm sao truyền đạt được mong muốn của bạn cho người thợ may hoặc người bán hàng hiểu được để họ có thể giới thiệu các loại vải phù hợp cho bạn.

   Có một cách để thực hiện điều này dễ dàng đó là: mặc một thứ gì đó tương tự như bộ đồ bạn đang hình dung trong đầu hoặc mang theo ảnh của bộ trang phục mà bạn muốn may. Điều này nghe có vẻ hơi loằng ngoằng, thế nhưng cách truyền đạt bằng hình ảnh này lại hiệu quả hơn rất nhiều so với việc mô tả bằng lời nói. 

   Người bán hàng có thể ngay lập tức nhận ra rằng bạn muốn một loại vải như thế nào, mát và nhẹ như vải Linen hay mềm mịn mà ấm áp như vải Cashmere.. Điều mà bạn cố gắng để diễn tả bằng lời có thể đơn giản diễn đạt bằng chính chiếc áo bạn đang mặc hoặc là một tấm ảnh, việc này sẽ tiết kiệm thời gian kha khá đó.


Loại vải mà bạn chọn được làm như thế nào?

Có bốn giai đoạn chính trong quá trình sản xuất vải và chúng có thể ảnh hưởng tới hình dáng và độ bền của chúng. Người thợ may có thể sử dụng những điều này để giải thích cho bạn hiểu và phân tích những lựa chọn mà họ đưa ra dành cho bạn. 

Các bước đó có thể được tóm tắt sơ bộ như sau:


Thiết kế: 

   Đây là một khía cạnh được thể hiện khá rõ ràng trong màu sắc và mẫu vải. Tất cả các loại vải với màu khác nhau đều có sắc thái riêng biệt, vì vậy bạn nên dành thời gian so sánh các màu, nghe lời khuyên của người bán hàng và chọn ra mẫu mà bạn cho là đẹp và ưng ý nhất (link bài thiết kế của vải may suit).



Chất liệu: 

   Bất kể là sợi len, lanh, bông hay cashmere. các chất liệu khác nhau đều có các tính chất khác nhau và thông tin của chúng luôn được chú thích kèm với mẫu vải. Bạn có thể để ý tới yếu tố này nhằm chọn ra mẫu vải phù hợp nhất. (các chất liệu thường gặp ở vải).



Dệt: 

   Cách mà nguyên liệu thô được dệt thành vải được thể hiện khá rõ ràng trong cách thiết kế (như kiểu đan chéo, xương cá,…) nhưng chúng đóng một vai trò khá quan trọng và cũng ảnh hưởng tới chất lượng của vải. (các kiểu dệt vải và tác dụng của chúng).



Hoàn thiện: 

   Có lẽ đây là khía cạnh bị đánh giá thấp nhất, thế nhưng lại khá quan trọng nếu bạn để ý. Cách hoàn thiện có thể khiến cho tấm vải trở nên mịn và mượt hơn, hoặc ngược lại, thô và mộc mạc hơn. (các kiểu hoàn thiện vải)

Những tính chất của vải

Thông thường, bốn giai đoạn nêu trên là những công đoạn mà thợ may hoặc người bán hàng sẽ tập trung vào khi mô tả cho bạn về các mẫu vải. Họ sẽ nói về tác động của những quá trình này lên vải và bạn có thể lấy đó làm tham khảo để so sánh các mẫu vải khác nhau, nhằm chọn ra loại vải mà bạn cảm thấy phù hợp và ưng ý nhất.

Một số khía cạnh rõ ràng nhất để bạn có thể so sánh là:

Độ cứng

   Bộ đồ bạn mặc đi làm (làm từ len thô) sẽ được hoàn thiện cứng hơn so với len cashmere mềm mại tạo thành chiếc áo jacket/coat của bạn. Công đoạn hoàn thiện sẽ ảnh hưởng tới độ cứng của vải và những loại được hoàn thiện cứng hơn thường có độ bóng và mượt hơn so với những loại khác. 

Độ khô: 

   Vải khô hơn sẽ có vẻ sắc nét hơn và nếp nhăn ở ống quần sẽ tồn tại lâu hơn so với những loại khác. Bề mặt của vải cũng có xu hướng khô hơn. Điều này giải thích vì sao vải lanh thường có cảm giác khô và nhàu hơn so với len dùng để may suit. 

Các sợi vải nhỏ: 

   Độ xù lông của vải, hay là các sợi vải nhỏ có thể được nhìn thấy trên vải liên quan chặt chẽ tới chất lượng của vải. Vải với sợi dài, mềm mịn, bện chặt sẽ ít xù lông hơn.

Độ dày: 

  Đây là một yếu tố dễ thấy bởi lẽ hầu hết các loại vải sẽ đi kèm thông tin về trọng lượng và độ dày của chúng, thường theo đơn vị gam hoặc ounce.

Vd: vải ghi 280gsm có nghĩa là: trọng lượng tấm vải rơi vào khoảng 280gram/m2 theo khổ vải đó (thường khổ vải là 57-58” = ~ 1,5m).

  Các loại vải dày hơn thường được xếp nếp cẩn thận và có độ bền tốt hơn các loại vải mỏng (dễ rách nếu vải mỏng quá).

Sự thông thoáng: 

   Vải có kiểu dệt thoáng hơn sẽ cho phép nhiều không khí đi qua hơn, tạo cảm giác thoáng mát cho người mặc. (Hopsack, plain sẽ mát hơn là twill, birdeye..)

Chống nhăn: 

   Vải len tốt thường sẽ nhăn, tính năng chống nhăn nếu có thường xuất hiện khi vải có 1 hoặc nhiều yếu tố sau:

Pha sợi tổng hợp (poly chẳng hạn), vải sẽ giặt nước được và ít nhăn.

Có hóa chất chống nhăn được xử lí khi hoàn thiện.

Sợi vải dầy và cứng (dệt 2-3).

Cách dệt (dệt plain là kiểu dệt dễ gây nhăn vải nhất).

(link Bài chi tiết về các loại sợi/vải)

   Nếu bạn thường di chuyển, mặc nhiều và không có điều kiện chăm sóc tốt (giặt khô, chải áo..) người bán có thể gợi ý bạn những loại vải này

   Nếu bạn tới tiệm may chỉ với ý nghĩ rằng bạn muốn may một bộ suit vừa vặn và đẹp, thợ may có thể sẽ hỏi bạn những câu hỏi như: bạn muốn mặc chúng ở đâu và khi nào. 

   Sau khi bạn đã quyết định xong, thợ may sẽ cung cấp cho bạn một vài lựa chọn khác nhau và cho bạn một số thông tin về tính chất của mỗi loại vải, vd: loại này mềm hơn, nhẹ hơn hoặc thoáng khí hơn loại khác. Để những thông tin mà thợ may nói dễ hiểu hơn, hãy chuẩn bị trước và hiểu được những “thuật ngữ” được nêu phía trên để giúp bạn tiết kiệm thời gian.

Bạn cần làm gì?

Khi người bán hàng đưa cho bạn một số lựa chọn, bạn sẽ làm gì? Liệu bạn sẽ chỉ mỉm cười và gật đầu mỗi khi họ đưa ra một mẫu vải mà chẳng cho ý kiến gì cả chứ?

   Bạn có thể làm nhiều hơn thế, và đây là một số gợi ý dành cho bạn, khiến bạn trở thành một khách hàng thông minh. 

   Thông thường cửa hàng may đo sẽ đưa ra cho bạn một loạt lựa chọn dựa trên các yếu tố sau:

  1. Kiểu dáng: Có 3 kiểu dáng chính, mỗi kiểu dáng lại có vô số các tùy chọn nho nhỏ đi kèm. VD: Kiểu Ý/Anh/Mỹ là 3 kiểu phổ biến nhất (link Các kiểu cắt phổ biến của suit)

  2. Chất liệu: Có nhiều thành phần cấu tạo nên 1 bộ suit (Vải, vải lót, mùng, canvas, chỉ, khuy, dạ cổ..), mỗi thành phần có thể được sản xuất bởi nhiều chất liệu khác nhau. Mỗi chất liệu sẽ có công dụng và đặc tính khác nhau (link Cấu tạo một bộ suit)

  3. Cấu trúc: là thuật ngữ chỉ kết cấu khung cốt của sản phẩm, tác dụng của cấu trúc là: tạo form dáng, độ bền cho sản phẩm, thường cấu trúc hay được dùng cho áo jacket (áo khoác ngoài), coat (áo choàng ngoài), vest (áo gile). (link Cấu trúc của suit có tác dụng gì?)


Cá nhân mình thấy khó để áp đặt 1 khung giá cho sản phẩm. Rẻ đắt nên áp như thế nào? 1 cái quần bạn mua giá 10 đồng nhưng mặc chỉ được 2-3 lần thì có lẽ ko phải là rẻ nhưng 1 cái áo giá 100 đồng nhưng vừa vặn, thoải mái, chất lượng..mặc được hàng trăm, ngàn lần thì chắc chắn ko đắt.


Dưới đây là 1 vài gợi ý cho các bạn khi tới cửa hàng may đo:


  1. Bạn nên thu hẹp các lựa chọn/ý tưởng nếu có thể. Việc chỉ đưa ra 4 tới 5 lựa chọn sẽ tiết kiệm thời gian cho bạn và thợ may. Những lựa chọn này có thể khác nhau về màu hoặc mẫu hoạ tiết. Vd: Màu navy/xám trơn cho công việc hoặc màu sắc tươi trẻ với họa tiết kẻ cho đi chơi..

  2. Hãy dùng tay của bạn để cảm nhận và đánh giá một mẫu vải. Độ mềm mịn của một mảnh vải cũng là một yếu tố quan trọng, mặc dù da bạn không trực tiếp tiếp xúc phần lớn với vải (trừ khi bạn không dùng vải lót), bạn vẫn có thể cảm nhận được bằng tay và cảm giác vải di chuyển mỗi khi bạn chuyển động. 

  3. Hãy chắc chắn rằng bạn đã xem kĩ mặt vải trái phải để có thể đánh giá. Hai mặt của vải không phải lúc nào cũng giống nhau và một số người vẫn hay nhầm lẫn. Thường thì mặt trái sẽ có nhãn ghi mã số và trọng lượng của vải, bạn có thể dùng cách này để dễ dàng nhận biết. 

  4. Xem xét các màu sắc khác nhau một cách cẩn thận. Bạn có thể đứng bên cửa sổ hoặc ra bên ngoài để nhìn chúng dưới ánh sáng tự nhiên. 

  5. So sánh các mẫu vải với nhau. Thường thì bạn có thể sẽ không nhận ra sự khác biệt của hai màu gần giống nhau cho tới khi bạn so sánh với màu khác (Ví dụ màu xanh navy rất khó nhận biết khi đứng một mình, nhưng bạn có thể nhận ra sự khác biệt khi đặt nó cạnh mẫu vải màu đen). Bạn cũng nên đặt chúng với các màu áo khác nhau (phối với sơ mi), ví dụ trắng hoặc xanh, để xem màu sắc của chúng thay đổi thế nào. 

  6. Nếu bạn có một mẫu thiết kế vải, bạn khó có thể hình dung nó khi đã hoàn thiện trên quần áo. Đây thường là một trong những điều gây khó, đặc biệt là với những thiết kế lớn. Nhìn chung, những hoạ tiết như xương cá (Herringbone) hay kẻ Prince-of-Wales sẽ trở nên tinh tế hơn khi bạn mặc cả bộ từ đầu tới chân. Ngược lại, những hoạ tiết lớn với màu sắc đậm (kẻ vuông window.) sẽ mang phong cách mạnh mẽ hơn phù hợp để mặc phối kiểu broken suit (áo quần khác nhau).

  7. Một số cửa hàng sẽ có sẵn các mẫu vải mà bạn có thể thử ướm lên người. Đây là một cách thử rất tốt nếu bạn chưa có một hình dung cụ thể và muốn “nhìn thấy” bộ đồ sẽ như thế nào khi mặc lên người. 

  8. Yêu cầu xem qua 1 số sản phẩm tiêu biểu của cửa hàng và hỏi xem sự khác biệt giữa công dụng, thời gian sản xuất và giá thành của nó.

Thiết kế thời trang của bộ suit là một yếu tố quan trọng quyết định vẻ ngoài và cảm giác mà nó mang lại, nhưng chắc chắn bạn sẽ diện đồ nhiều hơn khi bạn thích chất liệu và kiểu dáng của nó. Đầu tư thời gian nghiền ngẫm để có kiến thức về suit là một khoản đầu tư hời, bởi lẽ một bộ suit ưng ý sẽ mang lại cho bạn sự tự tin và tạo dựng phong cách (Sartorial?) của bạn trong mắt người đối diện, chắc chắn bạn trông sẽ “uy tín” hơn trong mắt đối tác hoặc “hấp dẫn” hơn với người khác giới.


 
 
 

댓글


bottom of page